Hỏi: L.V.A đang lái xe ô tô (xe của A) đi đúng phần đường, làn đường và tốc độ theo quy định thì có một người phụ nữ khoảng 70 tuổi đi bộ sang đường, do khoảng cách quá gần nên người phụ nữ bị va vào sườn xe, gây tai nạn giao thông. Hiện người phụ nữ này đã qua cơn nguy kịch và ăn uống bình thường. Nay, người phụ nữ này đòi L.V.A phải bồi thường toàn bộ chi phí chữa bệnh và khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần. Cảnh sát giao thông xác định lỗi thuộc về người phụ nữ trên. Vậy yêu cầu bồi thường thiệt hại của người phụ nữ có đúng không? Trường hợp A không có lỗi, A lái xe thuê cho công ty B thì công ty có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không?
Đáp: Theo Điều 584 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2.Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinhlà do sự kiện bất khả kháng hoặchoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này“.
Căn cứ thông tin trong tình huống và quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên thì L.V.A không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người phụ nữ đó, bởi vì thiệt hại từ vụ tai nạn giao thông phát sinh là hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (theo xác định của lực lượng Cảnh sát giao thông như độc giả đã cung cấp). Do đó, yêu cầu bồi thường của người phụ nữ trên là không có căn cứ. Trường hợp A lái xe thuê cho công ty B thì công ty cũng không có trách nhiệm bồi thường.