Hội thảo Cuộc chiến Chống hàng giả và hành vi xâm phạm Bản quyền: Thực thi trực tuyến và trực tiếp

Chiều ngày 29/6/2022, Cục Bản quyền tác giả đã tham dự Hội thảo “Cuộc chiến Chống hàng giả và hành vi xâm phạm Bản quyền: Thực thi trực tuyến và trực tiếp”. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Công ty Luật Rouse và Đại sứ Anh tổ chức với sự tham gia của 9 đại diện Bộ ngành (9 bộ/ngành gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) thuộc Chương trình 168 (Chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), Ông Isaac Atwal – Trưởng ban Chính trị, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Ông Desmond Tan – Trưởng ban Sở hữu trí tuệ và Cố vấn khu vực Đông Nam Á, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh tại Singapore và đại diện một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan khác.

 

Ông Desmond Tan – Trưởng ban SHTT và Cố vấn khu vực Đông Nam Á,
Văn phòng Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh tại Singapore

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Đại diện Văn phòng Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh tại Singapore bày tỏ hy vọng thông qua các phần trình bày tại Hội thảo và những thảo luận trực tiếp sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả của Chương trình hợp tác phòng chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền, đặc biệt là trên môi trường Internet với sự phát triển của khoa học công nghệ ngày càng lớn mạnh.

Tại hội thảo, Ông Aaron Herps – Giám đốc bộ phận bảo vệ nội dung – Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh và Bà Marilyn Krige – Cố vấn cao cấp về chống hàng giả toàn cầu, Tập đoàn Reckitt Benckiser (Tập đoàn nổi tiếng của các thương hiệu nổi tiếng quen thuộc như: Stepsils; Veet; durex,…) đã trình bày với các đại biểu về các thách thức nổi bật trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trực tuyến và trực tiếp và những kinh nghiệm từ các vụ việc cụ thể mà những doanh nghiệp này từng giải quyết. Nhận định chung của các doanh nghiệp là các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi và diễn ra ở quy mô đa quốc gia, giá trị thiệt hại cho các doanh nghiệp là vô cùng lớn, không chỉ về mặt doanh thu mà cả về uy tín, danh dự của các doanh nghiệp.

Thay mặt cho Ban Thường trực Chương trình 168, Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra phụ trách, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổng kết các hoạt động thực thi quyền SHTT trong năm 2021 và đề xuất kế hoạch năm 2022. Năm 2021, Chương trình 168 đã đạt được nhiều kết quả thực tế góp phần phòng chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền, tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kế hoạch trong khuôn khổ Chương trình 168 vẫn chưa được thực hiện như dự kiến, Chương trình còn tồn tại một số vấn đề như việc hợp tác mới chỉ dừng ở cấp Trung ương, chưa triển khai tại các địa phương; nhiệm vụ phân công còn chồng chéo, mẫu thuận; nguồn lực còn hạn chế; và trao đổi giữa các bên còn chưa hiệu quả do chưa có hướng dẫn cụ thể. Bà Quỳnh thay mặt Ban thường trực Chương trình 168 đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cho Kế hoạch năm 2022 gồm: Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong phòng chống xâm phạm quyền SHTT; Thành lập cơ chế báo cáo trực tiếp với Lãnh đạo Chính phủ để điều phối thực thi quyền SHTT, giúp các hoạt động và vấn đề thực thi quyền SHTT nhận được sự quan tâm và đánh giá cao hơn của các bên liên quan trong xã hội; Tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ kiến thức nhằm giúp các cơ quan thực thi nâng cao nhận thức về các vấn đề SHTT; và đẩy mạnh truyền thông và thực tiễn thực thi tại Việt Nam.

 

Quang cảnh Hội thảo

Đồng tình với những chia sẻ của các đại biểu, Ông Trương Quang, Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – PC03, Công an Thành phố Hà Nội chia sẻ về thực trạng diễn ra tại Hà Nội trong cuộc chiến chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền diễn ra phức tạp, các đối tượng sử dụng công nghệ cao và rất khó phát hiện. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, số lượng giao dịch trên môi trường số, các nền tảng thương mại điện tử tăng đột biến. Lực lượng PC03 cho biết đã khởi tố một số vụ việc về giả mạo nhãn hiệu, tuy nhiên trong quá trình điều tra cũng gặp không ít khó khăn như: lực lượng công an thu giữ được sản phẩm hàng giả, nhưng khi trao đổi và làm việc với nhãn hàng, doanh nghiệp lại không cung cấp được mẫu mã thật để lực lượng kiểm tra và giám định. Hơn nữa, chi phí giám định cho lô hàng giả rất tốn kém, thậm chí còn lớn hơn nhiều so với giá trị hàng giả thu giữ. Ông Trương Quang cho biết công tác điều tra cần được phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn giữa các cơ quan thực thi với những cán bộ, công chức, viên chức được nhận nhiệm vụ chuyên trách về lĩnh vực này; các văn bản hướng dẫn cụ thể sớm được ban hành để tránh dẫn đến việc hiểu sai, hiểu chưa đúng quy định pháp luật về hàng giả, hành vi xâm phạm bản quyền; đặc biệt là công tác nâng cao năng lực quản lý, thực thi thông qua các chương trình giao lưu, học tập kinh nghiệm quốc tế ở những quốc gia có năng lực thực thi tốt về các hành vi phạm tội này.

 

Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đã có bài phát biểu về thực tiễn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường trực tuyến và trực tiếp. Phó Cục trưởng Phạm Thị Oanh đã cập nhật cho các đại biểu tại Hội thảo về tình hình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022 và việc Việt Nam gia nhập 2 Hiệp ước về quyền tác giả (Hiệp ước WCT) và Hiệp ước về bản ghi âm và cuộc biểu diễn của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) (Hiệp ước WCT có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 17/02/2022 và Hiệp ước WPPT có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 01/7/2022). Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và gia nhập các Điều ước quốc tế mới đây đã góp phần không nhỏ vào việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường Internet.
Với sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ trên môi trường Internet, Phó Cục trưởng nhận định những khó khăn, thách thức trong việc xác định hành vi xâm phạm; xác định chủ thể xâm phạm; xác định mức độ thiệt hại, bồi thường thiệt hại; yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, ngăn chặn, xử lý; xác định thẩm quyền xử lý. Trước thực trạng như vậy, Phó Cục trưởng đã đề xuất một số giải pháp nhằm phòng chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền gồm: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý; Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phố biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về bản quyền tới các cá nhân, tổ chức có liên quan; Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; Đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng Internet; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISPs) trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường mạng Internet; sự chủ động của các chủ thể quyền trong việc phát hiện và yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm; và Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet.

 

Ban Thường trực Chương trình 168 và Khách mời

Với những phần trình bày rất thực tiễn, Đại diện từ 9 Bộ ngành thuộc Chương trình 168 đã có những thảo luận trực tiếp về những giải pháp cũng như trao đổi với các vị khách mời về kinh nghiệm quốc tế trong thực tiễn thực thi chống hàng giả và hành vi xâm phạm bản quyền.

Ban Thường trực Chương trình 168 thống nhất tiếp tục triển khai các Kế hoạch đã đề ra với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành để đạt được kết quả trong cuộc chiến chống hàng giả và hành vi xâm bản quyền.

Nguồn: Đinh Nghĩa

Để lại bình luận

Để lại bình luận

Cùng chuyên mục

Liên hệ tư vấn

Quý khách có thể liên hệ trực tiếp để được tư vấn nhanh chóng từ đội ngũ Luật sư của chúng tôi!
Liên hệ
0977 315 404

Đặt lịch hẹn

Note: Vui lòng điền đầy đủ các thông tin có (*) để luật sư chúng tôi có thể tư vấn cụ thể nhất cho quý khách!
Trò chuyện với Luật Sư của chúng tôi