Hỏi: Tôi muốn khởi kiện dân sự yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản do Chấp hành viên vi phạm quy trình thi hành án dân sự có được không? Nếu tôi là người phải thi hành án thì tôi có quyền khởi kiện không? Cho tôi biết các quy định pháp luật điều chỉnh việc này.
Đáp: Thứ nhất,cần phải xác định chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án được quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014):
“1.Việc hủy kết quả bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản; trường hợp kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy thì việc xử lý tài sản để thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật này.
2. Người mua được tài sản bán đấu giá, Chấp hành viên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.
3. Việc xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại do kết quả bán đấu giá tài sản bị hủy được giải quyết theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên, chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án làNgười mua được tài sản bán đấu giáhoặcChấp hành viênđược Luật xác định là người có tài sản bán đấu giá để thi hành án.Đối với người phải thi hành án là người có tài sản bị cưỡng chế kê biên để thi hành án nên đã bị mất quyền là người có tài sản bán đấu giá, mất quyền là bên bán trong giao dịch bán đấu giá tài sản thi hành án. Do đó, người phải thi hành án không có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
Biểu tượng công lý
Thứ hai, căn cứ pháp lý để hủy kết quả đấu giá tài sản được quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016:
“Kết quả đấu giá tài sản bị hủy trong các trường hợp sau đây:
1. Theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản và người trúng đấu giá về việc hủy kết quả đấu giá tài sản hoặc giữa người có tài sản đấu giá và người trúng đấu giá về việc hủy giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, trừ trường hợp gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức;
2. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này;
3. Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản bị hủy bỏ theo quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này;
4. Người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên có hành vi thông đồng, móc nối, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá dẫn đến làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá hoặc hồ sơ tham gia đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;
5. Theo quyết định của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này”.
Do đó, khi các chủ thể có quyền khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 nêu trên (làNgười mua được tài sản bán đấu giáhoặcChấp hành viên) xác định có căn cứ theo quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án.
Thứ ba,người phải thi hành án dân sự nếu có căn cứ xác định Chấp hành viên vi phạm quy trình thi hành án dân sự trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án không có quyền khởi kiện hủy kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án nhưng có quyền khiếu nại, tố cáo về thi hành án theo quy định tại Điều 140 và Điều 154 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Người bị thiệt hại do quyết định thi hành án, hành vi thi hành án vi phạm pháp luật được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.