I. Quy định pháp luật về nhượng quyền thương mại
Luật thương mại quy định:
Điều 284.Nhượng quyền thương mại
Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
- Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
Như vậy, hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với việc sử dụng nhãn hiệu vì nhãn hiệu là bộ nhận diện thương hiệu của mỗi hàng hóa, dịch vụ. Nhượng quyền thương mại thì bao gồm nhượng quyền sơ cấp và nhượng quyền thứ cấp.
Nhượng quyền rất phổ biến
II. Các loại hình nhượng quyền đối với nhãn hiệu
Vì là đặc thù bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền sử dụng nhãn hiệu nên thông thường sẽ không tiến hành thủ tục chuyển nhượng nhãn hiệu mà chỉ thực hiện thủ tục li xăng độc quyền hay li xăng không độc quyền. Để tránh rủi ro cho bên nhận quyền thương mại về các hành vi xâm phạm quyền thì nhãn hiệu cần phải được đăng ký bảo hộ.
Điều 143 Luật sở hữu trí tuệ quy định:
Điều 143. Các dạng hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp gồm các dạng sau đây:
- Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền.
- Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác.
- Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
III. Bảo hộ nhãn hiệu là bắt buộc để nhượng quyền
Thực tế hầu như không có doanh nghiệp nào nhượng quyền thương mại mà không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hơn nữa, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại phải đăng ký, báo cáo với cơ quan quản lý về công thương. Do đó, đăng ký nhãn hiệu là biện pháp rất cần thiết nếu chủ thể kinh doanh hoạt động và có ý định thực hiện nhượng quyền thương mại đối với thương hiệu của mình.