Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Việc nhận đơn khởi kiện phải theo đúng thủ tục được quy định tại Điều 167 BLTTDS. Toà án phải có sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện và xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết.
• Sau khi nhận đơn khởi kiện, Toà án phải cấp giấy nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu Toà án nhận đơn khởi kiện gửi qua đường bưu điện, thì Toà án gửi giấy nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết.
• Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải thực hiện những việc cụ thể sau đây:
-Xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án mình hay không:
+Xác định vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án căn cứ vào Điều 25, 27, 29 và 31 BLTTDS;
+Xác định thẩm quyền của Toà án các cấp căn cứ vào các điều 33 và 34 BLTTDS;
+Xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ và theo sự lựa chọn của nguyên đơn, căn cứ vào các điều 35 và 36 BLTTDS;
-Xác định việc khởi kiện có còn thời hiệu khởi kiện hay không căn cứ vào Điều 159 BLTTDS;
-Xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện hay không căn cứ vào các điều 161, 162 và 163 BLTTDS.
• Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án, nếu thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình theo quy định tại Điều 171 BLTTDS.
• Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết. Thủ tục chuyển đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 37 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 6 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NG- HĐTP ngày 31-3-2005.
• Toà án trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp quy định tại Điều 168 BLTTDS.
• Thông báo về việc thụ lý vụ án thực hiện theo đúng quy định tại Điều 174 BLTTDS.