Hỏi: Khi người bị tạm giữ, tạm giam được thay đổi biện pháp ngăn chặn khác, người bị tạm giữ hết thời hạn tạm giữ và không được gia hạn thì cơ quan nào tiến hành làm thủ tục trả tự do cho người bị tạm giữ, tạm giam?
Trả lời:
Câu hỏi của bạn xét về quy định của pháp luật hình sự là chưa thỏa mãn các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên chúng tôi có thể trả lời bạn trên tinh thần quy định của pháp luật một cách khái quát như sau:
– Về tạm giữ:
Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã (Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Trong thời hạn 12 giờ, nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Trong trường hợp việc tạm giữ do Viện kiểm sát phê chuẩn thì quyết định trả tự do do Viện kiểm sát quyết định.
– Về tạm giam:
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng,… (Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Trong thời hạn tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam (gia hạn tạm giam) thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định.
Căn cứ theo điểm i khoản 1 Điều 13 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, khi nhận được quyết định có nội dung về việc không tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam của cơ quan có thẩm quyền, cơ sở giam giữ có trách nhiệm thực hiện và trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định.