Trước tiên phải hiểu quyền tác giả theo quy định gồm quyền nhân thân (quy định tại Điều 19) và quyền tài sản (quy định tại điều 20). Khi một tác phẩm có nhiều tác giả cùng sáng tác, thì việc xác định quyền cho từng tác giả là dựa trên việc các đồng tác giả đã sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm và họ có chung các quyền quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm đó.
Cụ thể, các đồng tác giả cùng được hưởng quyền nhân thân là quyền đứng tên, đặt tên, quyền công bố, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; Quyền tài sản như làm tác phẩm phái sinh, biểu diễn tác phẩm trước công chúng tại địa điểm công cộng, sao chép, phân phối tác phẩm, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Ngoài ra, các đồng tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền tài sản theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho các đồng tác giả.