Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài
Tình huống thực tế thường xảy ra:
- Chị A cư trú tại Nhật Bản, có quan hệ bạn bè rất lâu với anh B, cả hai đều là người Việt Nam, quốc tịch Việt Nam, sau một thời gian quen biết thì anh B có “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của chị A với tổng số tiền là 800 triệu Việt Nam đồng, sau đó chặn số điện thoại, facebook, zalo của chị A. Vụ việc xảy ra từ tháng 9/2020 nhưng do lúc đó đang mang thai nên chị A không thể đi đến đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trình báo vụ việc, đến bây giờ chị A muốn tố cáo.
Quy định pháp luật giải quyết:
- Hiện tại Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Nhật Bản chưa có hiệu lực. Hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
- Trường hợp chị A và anh B đều đang ở Nhật Bản, hành vi phạm tội xảy ra ở Nhật Bản, chị A cần thực hiện việc tố giác anh B tại cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản để xem xét giải quyết.
- Trường hợp anh B đang ở Việt Nam, chị A có thể thực hiện việc tố giác tại cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản và tố giác với cơ quan có thẩm quyền Việt Nam nơi anh B đang cư trú; đồng thời, đề nghị cơ quan có thẩm quyền Nhật Bản chuyển hồ sơ về Việt Nam để cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự anh B theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.