I. Quy định pháp luật về sáng chế
Luật sở hữu trí tuệ quy định Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Giải pháp kỹ thuật có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
- Sản phẩm dưới dạng vật thể, ví dụ như: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các đặc điểm kỹ thuật về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người;
- Sản phẩm dưới dạng chất (gồm đơn chất, hợp chất và hỗn hợp chất), ví dụ vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các đặc điểm kỹ thuật về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng như một phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học, ví dụ gen, thực vật/động vật biến đổi gen…, được thể hiện bằng tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo;
- Quy trình hay phương pháp (quy trình sản xuất; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, v.v.) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các đặc điểm về trình tự, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được mục đích nhất định.
II. Điều kiện bảo hộ sáng chế
Để được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế, sáng chế cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Có tính mới;
– Có trình độ sáng tạo;
– Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Trước đây chúng ta thường nhầm lẫn giữa sáng chế và phát minh. Và coi việc chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị, vật liệu, thuốc là phát minh. Tuy nhiên điều này không đúng. Phát minh là phát hiện một thứ đã có sẵn trong tự nhiên, còn sáng chế tức là sáng tạo ra, chế tạo ra một thứ chưa có. Ví dụ như nhà khoa học Thomas Edison chế tạo ra bóng đèn điện, thì bóng đèn điện bản thân nó là một sáng chế dưới dạng sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề chiếu sáng, bằng việc ứng dụng các định luật, quy luật vật lý. Ngày nay các khái niệm sáng chế và phát minh vẫn bị nhầm lẫn, nguyên nhân cơ bản dẫn tới nhầm lẫn là do chưa được tiếp cận với quy định pháp luật.
III. Một số sáng chế quan trọng trong lịch sử loài người
Lịch sử loài người có nhiều sáng chế quan trọng, mặc dù trước đây do hệ thống pháp luật chưa phát triển nên vấn đề về bảo hộ chưa được chú ý. Nhưng nhiều sáng chế là động lực thúc đẩy của toàn xã hội loài người phát triển văn minh, tiến bộ được như ngày nay. Sau đây có thể kể đến một vài sáng chế như:
Thời Trung Cổ:
- Máy in: Đời nhà Tống, Tất Thăng sáng chế ra lối in chữ rời. Nghề in của Trung Quốc đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển văn hoá trên toàn thế giới.
- Giấy: nhà sáng chế Sái Luân ở thời Đông Hán (Trung Quốc) đã sáng chế ra giấy trên cơ sở dùng vỏ cây, dây đay, vải rách làm nguyên liệu. Loại giấy này trong sách cổ gọi là Giấy Sài hầu
Thời hiện đại:
- Máy hơi nước: Máy hơi nước của James Watt là động lực cho cuộc cách mạng công nghiệp, thúc đẩy sản xuất và kinh tế phát triển mạnh mẽ.
- Điện thoại: Alexander Graham Bell là người sáng chế ra điện thoại. Thúc đẩy ngành thông tin liên lạc phát triển mạnh mẽ.
IV. Vai trò của sáng chế
Là một đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, Sáng chế đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao uy tín quốc gia.
Về Kinh tế:
- Sáng chế tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất và hiệu quả, dẫn đến tăng trưởng kinh tế.
- Các doanh nghiệp sở hữu sáng chế có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, giúp thu hút đầu tư và mở rộng thị trường. Vì thế tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Việc phát triển và ứng dụng sáng chế tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần nâng cao đời sống xã hội.
Về Khoa học và công nghệ:
- Sáng chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích các nhà khoa học và kỹ sư sáng tạo, phát triển các giải pháp mới cho các vấn đề khoa học và công nghệ.
- Sáng chế tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu sang doanh nghiệp, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời cũng chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp qua với nhau, thậm chí với quy mô quốc tế.
- Việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng sáng chế góp phần nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của quốc gia.
Xã hội:
- Sáng chế mang đến các sản phẩm và dịch vụ mới, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông.
- Sáng chế thúc đẩy phát triển các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
- Sáng chế khẳng định năng lực khoa học và công nghệ của quốc gia trên trường quốc tế, góp phần nâng cao uy tín quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự thuộc lĩnh vực sáng chế mật.
Ngoài ra, sáng chế còn có một số vai trò khác như:
- Sáng chế có thể được cấp phép cho các doanh nghiệp khác sử dụng bằng việc chuyển nhượng, chuyển giao, từ đó tạo ra nguồn thu nhập mới cho chủ sở hữu.
- Sáng chế được bảo hộ bởi pháp luật, chủ sở hữu sáng chế có thể khởi kiện, xử lý các hành vi xâm phạm trái pháp luật.
- Doanh nghiệp sở hữu sáng chế có được vị thế và sự tin tưởng trên thị trường, cũng như được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ.
V. Các đối tượng không được bảo hộ sáng chế
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế tại Việt Nam:
1. Phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học;
2. Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính;
3. Cách thức thể hiện thông tin;
4. Giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ;
5. Giống thực vật, giống động vật;
6. Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;
7. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.
VI. Hồ sơ đăng ký sáng chế tại Việt Nam
1. Người nộp đơn cần cung cấp các tài liệu sau đây để tiến hành nộp đơn đăng ký sáng chế:
- Tờ khai sáng chế theo mẫu của Bộ khoa học và Công nghệ
- Bản mô tả sáng chế, trong đó phải có các nội dung phần mô tả, yêu cầu bảo hộ và hình vẽ (nếu có hình vẽ); phần mô tả sáng chế phải có các nội dung sau đây: tên sáng chế, lĩnh vực sử dụng sáng chế, tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sáng chế, bản chất kỹ thuật của sáng chế, mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có hình vẽ), mô rả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế, ví dụ thực hiện sáng chế, những lợi ích có thể đạt được.
- Bản tóm tắt sáng chế không quá 150 từ.
2. Thời hạn xử lý đơn đăng ký sáng chế:
Kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký sáng chế được xử lý theo trình tự sau:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn
– Công bố đơn đăng ký sáng chế:
(i) Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ mười chín kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn [ đối với trường hợp đơn không có ngày ưu tiên] hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn;
(ii) Đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (sau đây gọi là “đơn PCT”) được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ đã vào giai đoạn quốc gia;
(iii) Đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Để được công bố sớm, chủ đơn cần có Văn bản yêu cầu công bố sớm, trong đó nêu rõ lý do cần công bố sớm. Yêu cầu công bố sớm không phải nộp phí, lệ phí.
– Thẩm định nội dung: không quá mười tám tháng, kể từ ngày công bố đơn nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
3. Hiệu lực của Bằng đốc quyền sáng chế
Bằng độc quyền Sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn/ngày nộp đơn quốc tế. Hiệu lực bảo hộ cần được duy trì hàng năm.
Để được duy trì hiệu lực, trong vòng 06 tháng trước khi kết thúc kỳ hạn hiệu lực chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp yêu cầu duy trì hiệu lực, Đơn duy trì hiệu lực có thể nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực và chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp thêm lệ phí duy trì hiệu lực muộn.
VII. Sự cần thiết của Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ sáng chế
Đăng ký sáng chế là một quá trình phức tạp, thời gian kéo dài, đòi hỏi kiến thức chuyên môn về luật sở hữu trí tuệ và thủ tục hành chính. Việc có Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ sáng chế có những ưu thế sau:
1. Tìm kiếm và phân tích khả năng được bảo hộ của sáng chế:
- Luật sư có thể đánh giá xem sáng chế có đáp ứng các điều kiện bảo hộ hay không.
- Luật sư có thể thực hiện tìm kiếm sáng chế để xác định xem có sáng chế nào tương tự đã được đăng ký hay không.
2. Soạn thảo hồ sơ đăng ký sáng chế:
- Luật sư có thể soạn thảo hồ sơ đăng ký sáng chế một cách đầy đủ và chính xác, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.
- Luật sư có thể giúp chủ đơn lựa chọn các quyền yêu cầu phù hợp để bảo vệ sáng chế một cách hiệu quả nhất.
3. Nộp hồ sơ và theo dõi tiến độ đăng ký:
- Luật sư có thể nộp hồ sơ đăng ký sáng chế lên đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Luật sư có thể theo dõi tiến độ đăng ký và thông báo cho chủ đơn về kết quả và yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo ý của chủ đơn xảy ra trong quá trình đăng ký, bảo hộ.
4. Đại diện trong thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Luật sư có thể đại diện trong các thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký sáng chế.
- Luật sư có thể bảo vệ quyền lợi của chủ đơn trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
5. Tư vấn về các vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan tới sáng chế và chủ đơn
- Luật sư có thể tư vấn cho chủ đơn về các vấn đề sở hữu trí tuệ liên quan đến sáng chế, chẳng hạn như chuyển nhượng, chuyển giao, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng sáng chế, ….
6. Ngoài các lợi ích trên, khi sử dụng dịch vụ luật sư đăng ký sáng chế còn giúp chủ đơn:
- Luật sư có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế sẽ giúp tăng khả năng thành công cho hồ sơ đăng ký sáng chế của chủ đơn.
- Luật sư sẽ thay mặt chủ đơn thực hiện các thủ tục đăng ký, giúp chủ đơn tiết kiệm thời gian và công sức, dùng thời gian đó để sản xuất kinh doanh hoặc sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ khác.
- Bảo vệ quyền lợi của chủ đơn: Quá trình đăng ký sáng chế có thể phát sinh tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của các bên. Luật sư sẽ bảo vệ quyền lợi của chủ đơn trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
Hãy liên hệ với chúng tôi, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về thủ tục đăng ký sáng chế.
Inter Justice Law Firm