I. Nội dung sự việc
Ngày 12/04/2023 ông L và bà K có đơn khởi kiện bà B, với yêu cầu khởi kiện là “yêu cầu Toà án chia tài sản chung cho chúng tôi đối với di sản của cha, mẹ chết để lại chưa chia tại thửa đất số 1235, diện tích 833,6 m2, mục đích sử dụng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BM372867, do bà B đứng tên sử dụng. Chúng tôi yêu cầu chia bằng giá trị thửa đất được nhà nước thu hồi và bồi thường số tiền 7.000.000.000đ (bảy tỉ đồng), mỗi người được chia ¼ (một phần tư) giá trị đất bằng 1.750.000.000đ (một tỷ bảy trăm năm mươi triệu đồng).”
Tại cấp sơ thẩm, bị đơn uỷ quyền cho đại diện bị đơn tham gia tố tụng với tư cách cá nhân. Đại diện bị đơn có ý kiến đề nghị Toà án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bởi lẽ: bị đơn thừa nhận đất là do cha mẹ để lại, nhưng chồng bị đơn đã kê khai từ năm 1996 mà ông L và bà K không có ý kiến gì. Đến năm 2013, chồng bà B chết, bà B đứng quyền sở hữu đến nay thì ông L và bà K cũng không có ý kiến, chỉ tranh chấp khi có bồi thường xảy ra. Nguyên đơn có ý kiến, khi cha mẹ sống khai phá được nhiều đất, nhưng nay đến khi lại không có chỗ hương khói do đất bị thu hồi hết, nên cần tiền để mua đất làm phần mộ thờ cúng cha mẹ.
Giải pháp nào cho xung đột lợi ích?
Theo Thông báo thụ lý sơ thẩm thì vụ án là “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Trong khi đó uỷ quyền bị đơn lại là “tranh chấp tài sản chung”. Thời điểm lập uỷ quyền là sau khi đã có các thông báo hoà giải tại toà án, thông báo chuyển chấm dứt hoà giải. Nhiều tài liệu thể hiện đại diện bị đơn sao chụp hồ sơ với tư cách luật sư.
Quá trình xét xử, Toà án sơ thẩm áp dụng thời hiệu cho rằng thời hiệu chia di sản của cha ông L và bà K đã hết, nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L và bà K.
Thấy quyền lợi bị xâm phạm nên ông L và bà K yêu cầu Luật sư Inter Justice tham gia bảo vệ quyền lợi tại phiên toà phúc thẩm.
II. Quy định pháp luật có liên quan đến vụ án
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định:
- Điều 86. Quyền, nghĩa vụ của người đại diện
- Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.
- Toà án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải đưa ra trước khi Toà án cấp sơ thẩm ra bản án giải quyết vụ việc. Đây là quy định của khoản 2 điều 184 Bộ Luật TTDS 2015 và khoản 2 điều 149 Bộ Luật dân sự 2015
III. Giải pháp pháp lý của luật sư
Đề nghị Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ cho toà án sơ thẩm xét xử lại, bởi lẽ:
- Đại diện bị đơn không có tư cách tham gia vụ án do uỷ quyền không hợp lệ, vụ án mà bị đơn uỷ quyền cho đại diện bị đơn là không có thật theo như quan hệ pháp luật Toà án thụ lý và thời điểm lập uỷ quyền là sau khi đã có các thông báo của Toà án. Nên không phát sinh tư cách đại diện tố tụng. Theo khoản 2 điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự. Hơn nữa, tư cách đại diện bị đơn là cá nhân hay luật sư chưa được làm rõ. Vì vậy, Toà án cấp sơ thẩm thừa nhận tư cách đại diện tố tụng của đại diện bị đơn để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện trong tố tụng cho bị đơn là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
- Toà án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải đưa ra trước khi Toà án cấp sơ thẩm ra bản án giải quyết vụ việc. Đây là quy định của khoản 2 điều 184 Bộ Luật TTDS 2015 và khoản 2 điều 149 Bộ Luật dân sự 2015.
- Căn cứ vào toàn bộ tài liệu, hồ sơ, chứng cứ có trong vụ án thì cả nguyên đơn, bị đơn và người liên quan đều không có yêu cầu áp dụng thời hiệu đối với việc giải quyết vụ án. Nên lẽ ra đối với yêu cầu chia di sản của cha ông L và bà K thì Toà cấp sơ thẩm không áp dụng quy định về thời hiệu mà giải quyết theo thủ tục chung. Nhưng Toà án cấp sơ thẩm lại tự áp dụng quy định về thời hiệu cho rằng thời hiệu khởi kiện chia phần di sản thừa kế đã hết để từ đó không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người liên quan, là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại điều 184 Bộ Luật tố tụng dân sự, vi phạm nguyên tắc cơ bản về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo điều 5 Bộ luật TTDS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
IV. Phán quyết của Toà án
- Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và lập luận của luật sư. Huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ cho toà cấp sơ thẩm để tiến hành xét xử lại.