I. Nhãn hiệu là quyền tài sản theo quy định pháp luật
Bộ luật dân sự quy định:
Điều 105. Tài sản
1.Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Điều 115. Quyền tài sản
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Điều 194. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ cũng là một loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Chủ sở hữu có quyền tặng cho nhãn hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự.
II. Cá nhân có quyền tặng cho nhãn hiệu
Chủ sở hữu nhãn hiệu thông thường là cá nhân và doanh nghiệp. Đối với cá nhân có năng lực hành vi dân sự, thì việc sở hữu nhãn hiệu cho phép cá nhân có quyền tặng cho nhãn hiệu. Tất nhiên việc tặng cho nhãn hiệu chỉ có thể thực hiện sau khi đã đăng ký bảo hộ. Bởi việc tặng cho sẽ dẫn tới việc thay đổi chủ sở hữu nhãn hiệu và được ghi nhận vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
III. Chưa có quy định về việc doanh nghiệp được tặng cho nhãn hiệu
Đối với doanh nghiệp thì tặng cho nhãn hiệu là vấn đề chưa đặt ra. Bởi lẽ, doanh nghiệp là chủ thể đăng ký kinh doanh với mục đích hoạt động là tìm kiếm lợi nhuận, các khoản thu chi của doanh nghiệp gắn với thuế thu nhập doanh nghiệp. Pháp luật hiện tại chưa có quy định về việc doanh nghiệp được tặng cho nhãn hiệu.
Hình thái bảo hộ mỗi đối tượng sở hữu trí tuệ khác nhau
Từ cơ sở trên cho thấy cá nhân chủ sở hữu nhãn hiệu thì có nhiều quyền hơn so với doanh nghiệp. Nhưng nhãn hiệu dù sao cũng thường được xây dựng trên cơ sở tập thể, do đó đăng ký nhãn hiệu cho doanh nghiệp sẽ công bằng và đúng với bản chất kinh doanh hơn.