Mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước được pháp luật quy định như nào? Ở bài viết này Inter Justice sẽ phân tích đã cho Quý khách hàng biết mức phạt vi phạm được áp dụng theo Luật nào.
1. Phạt vi phạm theo quy định của Luật Xây dựng
Theo quy định tại Điều 146của Luật Xây dựng có quy định phạt hợp đồng xây dựng:
- Phạt hợp đồng xây dựng phải được các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng.
- Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ 3 (nếu có) theo quy định của Luật xây dựng và pháp luật có liên quan khác.
Luật Xây dựng không quy định mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước..
Khoản 1 Điều 138 của Luật Xây dựng 2014 quy định: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
2. Phạt vi phạm theo quy định của Bộ Luật Dân sự
Theo quy định tại Điều 418 Bộ Luật Dân sự:
- Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
- Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
- Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
->Như vậy, theo quy định của BLDS các bên thảo thuận phạt vi phạm trong hợp đồng ký kết và mức vi phạm theo như các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Bộ Luật dân sự không quy định mức trần phạt vi phạm, trừ trường hợp luật khác có quy định.
3. Phạt vi phạm theo quy định của Luật Thương mại
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại. (Điều 300 Luật Thương mại)
Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 về phạt vi phạm trong trường hợp kết quả giám định sai.
Điều 266: Phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp kết quả giám định sai
- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý của mình thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá mười lần thù lao dịch vụ giám định.
- Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định. Khách hàng có nghĩa vụ chứng minh kết quả giám định sai và lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định
4. So sánh mức phạt vi phạm của Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Xây dựng.
BLDS 2015 cho phép các bên thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác
Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm
Luật Xây dựng 2014 quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Luật Xây dựng 2014 không quy định về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước.
5. Mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước
Mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước sẽ tuân theo quy định của Bộ Luật Dân sự (các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm trong hợp đồng) bởi vì :
Thứ nhất, Khoản 1 Điều 138 của Luật Xây dựng 2014 quy định: “Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng”.
->Trong Luật Xây dựng đã quy định rõ ràng hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự, do đó mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước được áp dụng theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Như vậy, theo quy định của Bộ Luật Dân sự các bên thảo thuận trong hợp đồng mức phạt vi phạm . Bộ Luật dân sự không quy định mức trần phạt vi phạm, tuy nhiên mức phạt vi phạm cũng cần phải được đưa ra hợp lý để đảm bảo tính công bằng và hợp lý để đảm bảo quyền lợi của các bên theo pháp luật.
Thứ hai, trong các lĩnh vực liên quan giá Nhà nước luôn thấp hơn giá thị trường ví dụ giá bồi thường về đất thu hồi luôn thấp hơn giá thị trường hay tiền lương, tiền công theo quy định của Nhà nước cũng thấp hơn thị trường. Luật Xây dựng đã quy định mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng có vốn nhà nước là 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm, thì mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng của công trình không sử dụng vốn nhà nước phải cao hơn 12%. Chính vì thế nếu áp dụng mức phạt vi phạm 8% của Luật Thương mại là không hợp lý.
Thứ ba, qua nghiên cứu các quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ưu tiên áp dụng Bộ Luật Dân sự để giải quyết các tranh chấp về phạt vi phạm hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Việc áp dụng mức phạt vi phạm hợp đồng đối với hợp đồng xây dựng của công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước theo quy định của Bộ Luật dân sự là phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng.
Hãy liên hệ với Inter Justice nếu bạn cần tư vấn về hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng,